bg

ĐẮK LẮK
Điểm đến du lịch đại ngàn

Đắk Lắk là một trong những tỉnh giàu tiềm năng về du lịch của Việt Nam vì Đắk Lắk có nhiều di tích, thắng cảnh và có truyền thống văn hóa đa dạng, phong cảnh ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp hoang sơ của núi rừng pha lẫn sự hiện đại của phố thị. Một phố núi dịu dàng và tĩnh lặng, nhưng lại vô cùng quyến rũ bởi những dãy núi đồi hùng vĩ, những cánh rừng cà phê xanh bạt ngàn, xen lẫn vào đó là những ngôi nhà sàn của người dân tộc. Dân cư sinh sống ở đây phần lớn là người Kinh, Ê Đê,M’nông và J’rai… người dân tộc tại chỗ sinh hoạt gắn liền với Bến nước và Nhà sàn.

Đặc biệt, Đắk Lắk có Bản Đôn là một địa danh đã được đưa vào bản đồ du lịch thế giới vì truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng và Buôn Ma Thuột được xem như là một trong những “thủ phủ cà phê” trên thế giới.

Đắk Lắk có bản sắc văn hoá đa dạng như các trường ca truyền miệng lâu đời Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu; như các ngôn ngữ của người Ê Đê, người M’Nông…; như các đàn đá, đàn T’rưng, đàn K’lông pút…

Đắk Lắk cũng là một phần của Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có các ngôi nhà dài truyền thống của người bản địa mà theo huyền thoại có thể “dài như tiếng chiêng ngân” hoặc các bến nước tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các buôn làng ở Đắk Lắk còn có những sản phẩm gia dụng như bàn, ghế và kể cả thuyền độc mộc đẽo từ những cây rừng lớn nguyên vẹn.

Các lễ hội đáng chú ý gồm có Lễ mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng Bến nước, Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng và Lễ hội cà phê… được tổ chức đều đặn hàng năm như một truyền thống.

Do Đắk Lắk có đến 44 dân tộc anh em nên ẩm thực ở đây thực đa dạng, có đủ các món ăn của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều người còn đánh giá là hàng quán ở Đắk Lắk nấu ăn ngon, hợp khẩu vị của đa số. Đáng chú ý là các món ăn dân dã Tây nguyên như Gà nướng Bản Đôn, các món nấu với lá giang, cà đắng, các món chế biến từ cá sông…

Về rượu, ở Đắk Lắk tuy phổ biến rượu cần với nhiều nhãn hiệu nhưng đặc biệt nhất thì lại phải nói đến rượu Ama Kông.

Tuy cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của người Pháp. Hiện tại theo số liệu đến nay diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã chạm con số gần 205.000 ha, chiếm khoảng 42% diện tích cà phê của khu vực Tây Nguyên và hơn 32% diện tích cà phê của cả nước với sản lượng hằng năm đạt từ 450.000 – 490.00 tấn (nhân). Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm đến 86% kim ngạch xuất khẩu từ các sản phẩm nông sản nói chung, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh. Ở Việt Nam nhiều tỉnh có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất. Vì những lý do trên, Buôn Ma Thuột hay được gọi là “thủ phủ cà phê”.

Chỉ riêng ở Buôn Ma Thuột, các quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ vào một quán thôi thì cũng phải mất cả năm mới đi giáp một vòng. Các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột hầu hết đều được đầu tư rất lớn và có phong cách riêng để thu hút khách, tuy nhiên hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây nguyên..Giờ đây người ta hay nói: Đến Đắk Lắk mà không đi uống cà phê thì coi như chưa đến Đắk Lắk.

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nên có rất nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ Lắk – Lắk; Hồ Ea Súp Thượng – Ea súp; Hồ Ea Kao – Buôn Ma Thuột; thác Krông Kmar – Krông Bông; thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Gia Long – Krông Ana; thác Thủy Tiên – Krông Năng; Thác Bay – Ea Sô; Thác Đray K’nao – Ma đ’rắk…

icons

Cùng bạn tận hưởng Bản sắc Việt,
cùng bạn hưởng thụ cuộc sống.

thông tin